LIÊN KHÚC TRUNG THU: Chiếc đèn ông sao - Rước đèn tháng tám | TRƯỜNG MẦM NON TƯ THỤC XUÂN MAI
Trở Về Đầu Trang!

LIÊN KHÚC TRUNG THU: Chiếc đèn ông sao - Rước đèn tháng tám

Liên Khúc Trung Thu

"Chiếc đèn ông sao soi năm cánh tươi màu...."
Mỗi khi nghe thấy trẻ em trong xóm hát bài “Chiếc đèn ông sao” là ai cũng biết Trung thu sắp về.
Từ khắp các ngả đường, ngõ xóm đều vang lên điệu trống phách nhịp nhàng quen thuộc, mỗi lần ca khúc này cất lên, ai ai cũng cảm nhận được cái không khí vui tươi, náo nức. Dù trải qua hơn nửa thế kỷ, “Chiếc đèn ông sao” của nhạc sĩ Phạm Tuyên vẫn luôn sống mãi như một khúc ca không thể thiếu trong mỗi đêm hội trăng rằm.
"Tết trung thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường..."
Dù là ngày xưa hay ngày nay thì rước đèn luôn được xem là một hoạt động đặc sắc và được các bạn nhỏ trông đợi nhất trong mỗi dịp Trung thu. Hình ảnh các em tay cầm những chiếc đèn đủ sắc “xanh lơ”, “tím tím”, “xanh lam”, “trắng trắng” với nhiều hình dáng khác nhau, nào là “đèn bươm bướm”, “đèn thiên nga”, “đèn ông sao”, “đèn cá chép” lung linh và hồn nhiên vui đùa bên mâm cỗ “bánh dẻo”, “bánh nướng” dưới trăng luôn làm thích thú người xem. Những hình ảnh đầy thân thương này đều xuất hiện trong ca khúc “Rước đèn tháng Tám”.Và xin mới các bạn cùng thưởng thức tiết mục múa Liên khúc Trung Thu : Chiếc đèn ông sao & Rước đèn tháng Tám nhé.



Thơ Trung Thu 1
Vậy là rằm tháng tám lại đến, cái thời điểm mà trẻ em lại háo hức đón chờ một ngày Tết đặc biệt - Tết Trung Thu. Và hẳn trong chúng ta, những người lớn cũng không thể quên được những ký ức tuổi thơ với đêm trăng rước đèn lung linh khắp xóm, những tiếng trống tùng tùng … cheng cheng … vang dội của những điệu múa lân, múa rồng, tiếng đồng ca của cả đám con nít rồng rắn và một mâm cỗ lớn với đầy những bánh trái mà đặc biệt là bánh nướng, bánh dẻo…
Tết Trung thu của người Việt thường gắn liền với hình ảnh chị Hằng, chú Cuội. Vào rằm tháng 8, mỗi gia đình thường bầy cỗ Trung thu trong khung cảnh trăng thanh gió mát với những đặc sản của mùa thu để tạ ơn trời đất. Dù Tết Trung thu có nguồn gốc ngoại nhập hay nội sinh thì từ lâu đã ăn vào tâm thức của mỗi người Việt và trở thành một trong những nét đặc trưng về bản sắc văn hóa dân tộc.
Ngày xưa, Tết Trung thu là dịp để mọi người cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, tạ ơn trời đất. Còn ngày nay, Trung thu được coi là cái Tết Nhi Đồng, đây là dịp để các bậc cha mẹ có dịp thể hiện tình thương qua quan tâm chăm sóc con em mình. Và cứ vào mỗi đêm trung thu, trẻ em lại náo nức rước đèn phá cỗ.
Và trong những dịp Tết trung thu hàng năm ở trường mầm non Xuân Mai, các bé không chỉ cùng với cô giáo của mình chuẩn bị các mâm cỗ trưng bày đẹp mắt với đủ các loại bánh trái hoa quả mà còn thể hiện sự khéo léo của đôi tay qua việc thiết kế những chiếc đèn ông sao, những con vật hết sức ngộ nghĩnh mang đậm màu sắc dân gian. Để rồi được cùng nhau gặp Chị Hằng Chú Cuội, được xem múa lân, rồi phá cỗ vui thật vui. À các bạn nhỏ còn được cô Hiệu trưởng tặng lồng đèn và quà bánh để các bé có thể xách lồng đèn đi dạo phố phường với ba mẹ và các bạn của mình nữa.
Thơ Trung Thu 2
Tuy tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang căng thẳng, nhưng mong là chúng ta sẽ cùng đồng lòng, chung tay với Nhà nước cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này, để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, và hi vọng sẽ được cùng các bé đón Trung Thu nhé.
Xin chúc các bé mãi luôn giữ được sự trong trắng, đơn sơ, hồn nhiên của tuổi thơ, dù mai này có lớn khôn, không còn trẻ thơ như ngày nào, thì tâm hồn các em vẫn giữ được sự bình an thư thái, giữ được nụ cười tươi tắn mãi như hôm nay! Chúc cho tâm hồn mọi người luôn đẹp như ánh trăng rằm và cuộc sống này luôn ngọt ngào như những chiếc bánh trung thu!


TRƯỜNG MẦM NON TƯ THỤC XUÂN MAI

"Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan."